Chúng tôi xếp hạng các nhà cung cấp dựa trên thử nghiệm và nghiên cứu khắt khe, nhưng cũng cân nhắc phản hồi của bạn và các thỏa thuận thương mại của chúng tôi với các nhà cung cấp. Trang này chứa các đường dẫn liên kết.Tiết lộ Quảng cáo
Việc thiết lập một máy chủ ảo với DigitalOcean trông có vẻ khá khó khăn, đặc biệt nếu bạn chưa từng sử dụng nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây nào trước đây. Bạn không thể dựa vào hỗ trợ của DigitalOcean – các nhân viên rất lâu mới phản hồi và hiếm khi đưa ra câu trả lời hữu ích. Vấn đề càng tồi tệ hơn khi nhiều tài liệu trực tuyến của DigitalOcean dường như đã lỗi thời. Cả Dịch vụ khách hàng lẫn các hướng dẫn đều không có sẵn bằng tiếng Việt mà chỉ có tiếng Anh.
Tuy vậy, việc thiết lập một VPS DigitalOcean không quá khó – và trên thực tế, phần lớn quy trình được tự động hóa cho bạn. Bằng cách làm theo một vài bước đơn giản, bạn có thể thiết lập và khởi chạy một website WordPress mới trong một hoặc hai giờ.
Hướng dẫn này sẽ chỉ cho bạn cách tạo một “Droplet” (VPS) với DigitalOcean và cài đặt phần mềm cần thiết cho lưu trữ web. Tôi cũng sẽ giới thiệu cách cài đặt và cấu hình WordPress. Nó đủ đơn giản để ngay cả một người mới bắt đầu cũng hoàn toàn có thể làm theo. Vậy hãy bắt đầu nào!
Các Droplet (Giọt) của DigitalOcean xuất hiện như một trang giấy trắng – bạn có thể sử dụng chúng cho nhiều mục đích chứ không chỉ cho lưu trữ web. Do đó, chúng tôi sẽ cần cài đặt những thứ cần thiết cho lưu trữ web. Rất may, gần như tất cả điều này đều được xử lý cho bạn như một phần của quá trình thiết lập tự động.
Dưới đây là phần mềm chúng tôi sẽ cài đặt và sử dụng trong hướng dẫn này:
Ubuntu 20.04
WordPress 5.8
Apache 2.4.41
MySQL 8.0.21
PHP 8.0
Fail2ban 0.11.1
Postfix 3.4.10
Certbot 0.40.0
Làm thế nào để tạo một Droplet?
Hãy tạo một tài khoản DigitalOcean để bắt đầu. Bạn có thể tạo một tài khoản miễn phí, nhưng bạn sẽ cần phải nhập thông tin thẻ thanh toán của mình để tạo.
Có một bản dùng thử miễn phí cho phép bạn trải nghiệm DigitalOcean trong 60 ngày mà không cần cam kết. Bạn sẽ nhận được khoản tín dụng miễn phí 100$ (tương đương với khoảng 2,3 triệu VND) để vọc nó, bấy nhiêu là quá đủ để lưu trữ một website WordPress cơ bản.
DigitalOcean cung cấp nhiều cách thức đăng ký khác nhau. Bạn có thể sử dụng tài khoản Google hoặc GitHub để hợp lý hóa quy trình, hoặc chỉ sử dụng địa chỉ email. Nếu bạn chọn cách sau, bạn sẽ phải cung cấp địa chỉ email, tên của bạn và một mật khẩu. Bạn sẽ phải xác nhận địa chỉ email của mình qua một email xác minh.
Từ đó, bạn sẽ cần phải cung cấp một phương thức thanh toán. Điều này được sử dụng để nhận diện bạn. Bạn có thể chọn thêm thẻ hoặc trả trước một số tiền nhỏ với PayPal, sau đó nó có thể được ghi có vào các hóa đơn lưu trữ trong tương lai.
Nếu bạn sử dụng thẻ thanh toán, bạn có thể thấy một khoản phí ủy quyền tạm thời xuất hiện trong bảng sao kê ngân hàng của mình, nhưng không có khoản phí nào được tính. Đây chỉ là để xác minh tài khoản ngân hàng của bạn.
Bây giờ sau khi đã hoàn tất việc tạo tài khoản, chúng ta có thể đến với những thứ thú vị. Vào lần đăng nhập lần đầu tiên, DigitalOcean sẽ cung cấp một màn hình thiết lập nhanh và dễ dàng cho nhiều trường hợp sử dụng khác nhau. Bạn sẽ thấy một tùy chọn cho lưu trữ website – hãy nhấp vào nó để bắt đầu.
Tiếp theo, bạn sẽ thấy một màn hình với một số cấu hình lưu trữ web phổ biến. Vì mục đích của hướng dẫn này, chúng tôi sẽ chọn triển khai một máy chủ WordPress.
Tôi nên chọn gói và trung tâm dữ liệu nào?
Bây giờ bạn sẽ được đưa đến một màn hình nơi bạn có thể cấu hình VPS của mình. Các VPS của DigitalOcean được gọi là các Droplet – và để bắt đầu quá trình này, bạn sẽ cần chọn một gói Droplet.
Đối với một website WordPress mới, tùy chọn rẻ nhất cung cấp chỉ vừa đủ tài nguyên. Bạn có thể dễ dàng nâng cấp lên một gói tốt hơn bất cứ lúc nào.
Tiếp theo, bạn sẽ cần chọn một trung tâm dữ liệu. Để có kết quả tốt nhất, trung tâm bạn chọn nên gần nhất có thể với đa số đối tượng mục tiêu của bạn. Điều này sẽ giảm thiểu độ trễ và đảm bảo hiệu suất hàng đầu.
Cuối cùng, bạn sẽ cần tạo một mật khẩu gốc (root password). Điều này cho phép bạn truy cập Droplet của mình với tư cách người dùng gốc (root user), cho phép truy cập không hạn chế vào tất cả các lệnh và tệp.
Điều quan trọng là bạn phải đặt một mật khẩu gốc bảo mật. Không sử dụng mật khẩu đơn giản, dễ đoán để ghi nhớ. Đồng thời, hãy ghi chú lại mật khẩu bạn đã chọn ngay lập tức, vì bạn sẽ không nhận được email xác nhận có chứa mật khẩu gốc của mình.
Sau khi hoàn tất, bạn có thể nhấn Create Droplet (Tạo Droplet).
Tôi nên chọn các tùy chọn bổ sung nào?
Bây giờ, bạn sẽ được đưa đến trang tổng quan của DigitalOcean, mà nó chỉ có thể được hiển thị bằng tiếng Anh. Một dự án sẽ được tự động tạo và Droplet của bạn sẽ được đặt trong đó. Các dự án của DigitalOcean đều hoàn toàn cho mục đích tổ chức – bạn có thể đổi tên nó nếu muốn hoặc cứ để nguyên như hiện tại.
Có thể mất một hoặc hai phút để Droplet của bạn triển khai – bạn có thể theo dõi việc này qua thanh tiến trình sẽ xuất hiện. Sau khi thanh tiến trình đã đầy, Droplet mới của bạn sẽ sẵn sàng để định cấu hình. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi nhảy thẳng vào việc đó, bạn có thể muốn xem qua các cài đặt.
Để thực hiện việc này, hãy nhấp vào tên Droplet của bạn trên trang chủ trang tổng quan.
Bạn sẽ được đưa đến một màn hình với một danh sách dài các cài đặt trong thanh bên ở phía tay trái. Khu vực này cho phép bạn kiểm soát và tinh chỉnh nhiều khía cạnh của máy chủ của bạn. Bạn cũng sẽ có thể thêm các dịch vụ bổ sung giúp tăng cường hơn nữa độ tin cậy, bảo mật và hiệu suất của Droplet của bạn.
Bạn nên bật tính năng sao lưu. Dịch vụ này cung cấp một bản chụp nhanh hàng tuần tự động toàn bộ máy chủ của bạn. Tuy bạn không nên chỉ dựa vào giải pháp sao lưu này, nhưng nó không tốn kém và cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống mất dữ liệu.
Nếu bạn muốn kích hoạt dịch vụ này, chỉ cần nhấp vào Backups (Sao lưu) ở bên trái, theo sau là nút Enable Backups (Bật sao lưu). Kế tiếp, DigitalOcean sẽ hiển thị ngày và giờ của bản sao lưu theo lịch trình đầu tiên của bạn. Sau đó, bạn sẽ có thể truy cập các bản sao lưu của mình từ cùng một trình đơn này khi website của bạn đã được thiết lập và khởi chạy.
DigitalOcean cũng cung cấp một loạt các tính năng tùy chọn khác. Bạn có thể bật các chỉ số bổ sung và cảnh báo có thể cấu hình cho Droplet của mình miễn phí, điều này cho phép bạn theo dõi việc sử dụng tài nguyên và lưu lượng truy cập tổng thể một cách chi tiết hơn. Bạn cũng có thể muốn triển khai một địa chỉ IPv6 cung cấp bảo mật cao hơn và định tuyến hiệu quả hơn.
Việc triển khai các tùy chọn bổ sung này không dễ dàng – bạn sẽ phải sử dụng SSH và dòng lệnh.
Mặc dù các hướng dẫn mà DigitalOcean cung cấp để triển khai những tính năng này nhanh và dễ làm theo, nhưng bạn có thể muốn đợi cho đến khi hoàn tất việc thiết lập WordPress và đã có một số thực hành một máy khách SSH trước khi bắt đầu.
Đặt tên cho Droplet của bạn và kiểm tra trang giữ chỗ
Mặc dù không có gì sai khi giữ lại tên được tạo tự động, nhưng bạn có thể muốn đặt một cái tên nào đó dễ định danh hơn một chút cho Droplet của mình. Để làm việc này, hãy nhấp vào tên hiện tại của Droplet của bạn ở trên đầu các cài đặt của nó. Nhập một tên mới, sau đó nhấp vào dấu kiểm màu xanh dương để xác nhận.
Bạn có thể đặt bất cứ tên gì bạn thích cho Droplet của mình, nhưng không được phép sử dụng dấu cách, các ký tự đặc biệt và hầu hết dấu câu. Tuy nhiên, dấu gạch nối vẫn được chấp nhận.
Bây giờ Droplet của bạn đã được thiết lập xong, bạn nên kiểm tra xem nó có hoạt động bình thường không. Để làm điều này, bạn có thể truy cập địa chỉ IP của nó. Nếu tất cả đều ổn, IP sẽ trả về một trang giữ chỗ DigitalOcean.
Địa chỉ IP của Droplet của bạn có thể được tìm thấy trong các cài đặt của nó hoặc trên trang chủ trang tổng quan. Di chuột qua địa chỉ IP để hiển thị lệnh “Copy” (Sao chép) sẽ giúp đẩy nhanh quy trình. Sau đó, bạn có thể chỉ cần dán địa chỉ này vào trình duyệt web mà bạn chọn.
Sau đó, bạn sẽ thấy màn hình này xác nhận Droplet đang được cấu hình đúng cách và đang hoạt động. Tất cả những gì bạn cần làm bây giờ là thiết lập WordPress!
Cấu hình WordPress
Mặc dù WordPress được cài đặt trên Droplet của chúng tôi, nhưng nó vẫn chưa được định cấu hình hoặc sẵn sàng để sử dụng. Để hoàn tất việc thiết lập WordPress,bạn sẽ cần sử dụng một máy khách SSH để kết nối tới Droplet của mình. Đừng lo, việc này không khó như bạn tưởng. Hãy làm theo hướng dẫn đơn giản của tôi bên dưới để hoàn thành nó nhanh chóng.
Máy khách SSH là gì và tôi nên sử dụng cái nào?
Máy khách SSH cho phép bạn kết nối từ xa với một máy Linux (chẳng hạn như Droplet của bạn) và điều khiển nó thông qua dòng lệnh. Những máy khách này thường bao gồm các giao diện đồ họa đơn giản.
Các tùy chọn phổ biến nhất là OpenSSH được tích hợp sẵn trong Windows, và PuTTY dễ sử dụng cũng như miễn phí tải xuống cho cả Windows lẫn MacOS.
Đối với hướng dẫn này, tôi đã chọn PuTTY. Nó cung cấp thiết lập dễ hiểu và một giao diện người dùng đơn giản cho phép bạn lưu các cài đặt của mình cho các kết nối lặp lại. Nó có thể xử lý hầu hết mọi thứ bạn đưa cho nó và nó rất phù hợp với nhu cầu của chúng tôi ở đây.
Mặc dù các máy khách SSH khác nhau có thể có quy trình thiết lập khác nhau, nhưng các lệnh bạn phải nhập sẽ giống hệt nhau. Nếu bạn chọn một máy khách khác, bạn có thể bỏ qua hướng dẫn thiết lập PuTTY bên dưới.
Cách bật cấu hình WordPress bằng dòng lệnh
Để bắt đầu, bạn sẽ cần cài đặt máy khách PuTTY. Nó có thể được tải xuống miễn phí trên trang web chính thức. Bạn sẽ thấy một liên kết để tải xuống máy khách ngay trên đầu trang chủ.
Bạn sẽ được đưa đến một màn hình có danh sách các bản tải xuống. Vì hầu hết người dùng máy tính đều sử dụng hệ thống Windows 64 bit, nên bạn có thể sẽ muốn tùy chọn trên cùng. Hãy tải xuống trình cài đặt thích hợp và chạy nó để hoàn tất việc cài đặt máy khách PuTTY.
Bây giờ, bạn sẽ có thể mở máy khách PuTTY lần đầu tiên. Trước khi bắt đầu sử dụng, bạn cần định cấu hình nó để hoạt động với Droplet DigitalOcean của mình. Để bắt đầu, hãy nhập địa chỉ IP của Droplet của bạn ở trên đầu màn hình Session (Phiên). Bạn cũng sẽ cần đảm bảo loại kết nối của mình là “SSH” và cổng được đặt thành “22”.
Sau khi hoàn tất, hãy điều hướng đến màn hình “SSH” ở ngoài cùng bên trái trình đơn. Tại đây, bạn sẽ cần kiểm tra xem mình có đang sử dụng đúng giao thức SSH không. “2” nên được chọn sẵn, nhưng nếu chưa, hãy chọn nó.
Tiếp theo, đặt tên người dùng đăng nhập của bạn là “root”. Việc này giúp bạn bớt được thêm một bước khi kết nối với Droplet của mình. Bạn có thể làm điều này trên màn hình “Data” (Dữ liệu), được tìm thấy cũng trong trình đơn chính.
Cuối cùng, hãy quay lại màn hình “Session”. Tại đây, bạn có thể lưu các cài đặt của mình cho phiên này để không phải nhập lại chúng mỗi khi bạn muốn kết nối lại với Droplet của mình. Đặt tên cho phiên của bạn, sau đó nhấp Save (Lưu). Phiên của bạn sau đó sẽ xuất hiện trong danh sách. Nếu bạn muốn sử dụng lại các cài đặt này trong tương lai, hãy nhấp vào phiên đã lưu của bạn trong danh sách, sau đó nhấn Load (Tải).
Bây giờ, cuối cùng bạn đã sẵn sàng để kết nối! Nhấn nút Open (Mở) ở dưới cuối cửa sổ để bắt đầu kết nối.
Khi mở một kết nối với Droplet của bạn lần đầu tiên, bạn sẽ nhận được một cảnh báo bảo mật. Nó xuất hiện bất cứ khi nào bạn mở kết nối đến một vị trí mới và sẽ cảnh báo bạn để chắc chắn rằng máy chủ bạn đang kết nối đến là an toàn. Trong trường hợp này, bạn có thể nhấn Accept để tiếp tục.
Bây giờ, bạn sẽ gặp một cửa sổ dòng lệnh. Bạn sẽ được yêu cầu nhập một mật khẩu – đây sẽ là mật khẩu “gốc” mà bạn đặt trong quá trình tạo Droplet của mình.
Cần lưu ý rằng các ký tự bạn nhập sẽ không xuất hiện trong dòng lệnh – đây là một biện pháp bảo mật để đảm bảo mật khẩu của bạn không thể đọc được bởi bất kỳ bên thứ ba nào. Nó có thể trông giống như không có gì xảy ra, nhưng đầu vào của bạn đang hoạt động.
Sau khi bạn nhập mật khẩu của mình, hãy nhấn phím Enter (Nhập). Nếu bạn đã nhập nó thành công – xin chúc mừng! Bây giờ bạn đã đăng nhập vào Droplet của mình với tư cách người dùng gốc. Bạn sẽ được chào đón đến với One-Click WordPress Droplet của DigitalOcean, nơi bạn có thể bắt đầu định cấu hình WordPress.
Tuy nhiên, bạn cũng sẽ cần phải kết nối một tên miền với Droplet của mình. Hãy lo liệu việc này ngay bây giờ. Bạn có thể đóng kết nối SSH vào lúc này.
Kết nối một tên miền
Để tiến xa hơn, bạn sẽ cần một tên miền đang hoạt động. Nếu bạn chưa đăng ký, hãy làm ngay.
Tôi sẽ sử dụng một tên miền được đăng ký với Hostinger, công ty này đưa ra mức giá thấp hơn hầu hết công ty khác cho các đuôi tên miền phổ biến, cùng với khả năng quản lý DNS dễ dàng. Bất kể bạn sử dụng dịch vụ đăng ký nào, quá trình này sẽ khá giống nhau.
Trước tiên, hãy đăng nhập vào dịch vụ đăng ký miền của bạn và tìm cài đặt miền của bạn. Nếu bạn đang sử dụng Hostinger, bạn có thể dễ dàng tìm thấy nó khi đăng nhập. Chỉ cần nhấp vào nút Manage (Quản lý) bên cạnh miền bạn muốn sử dụng.
Tìm mục máy chủ tên miền và nhấp vào liên kết Change (Thay đổi) để chỉnh sửa chúng.
Chúng cần được thay đổi thành các máy chủ tên miền của DigitalOcean, đó là: ns1.digitalocean.com, ns2.digitalocean.com và ns3.digitalocean.com. Điều này sẽ trỏ tên miền của bạn đến các máy chủ của DigitalOcean.
Nếu thực hiện đúng, các máy chủ tên miền của bạn sẽ trông giống như ví dụ trong ảnh chụp màn hình ở trên. Nhấp Save (Lưu) để xác nhận các thay đổi. Hãy nhớ rằng những thay đổi của máy chủ tên miền có thể mất một khoảng thời gian để giải quyết hoàn toàn. Tuy việc này có thể diễn ra tức thì, nhưng nó thường mất khoảng một giờ, thậm chí có thể mất đến vài ngày. Tôi khuyên bạn nên đợi một hoặc hai giờ trước khi thử các bước còn lại.
Sau khi bạn đã cho phép một khoảng thời gian để cài đặt máy chủ tên miền thay đổi, bạn sẽ cần phải định cấu hình DNS của mình. Điều này cần được thực hiện với DigitalOcean chứ không phải công ty đăng ký miền của bạn – vì bạn đang sử dụng các máy chủ tên miền của DigitalOcean, nên DNS của bạn hiện được xử lý ở đó.
Thật may, DigitalOcean cung cấp khả năng quản lý DNS đơn giản cho các tên miền, ngay cả khi chúng được đăng ký ở nơi khác.
Hãy quay lại trang tổng quan DigitalOcean của bạn. Nhấp vào Networking (Mạng) ở ngoài cùng bên trái trình đơn, sau đó là Domains (Miền) ở trên cùng. Tại đây, bạn cần nhập tên miền của mình mà không có “www.” – ví dụ: tôi đã nhập “awesomefool.com.” Sau đó, nhấp Add Domain (Thêm miền).
Bây giờ, chúng ta sẽ cần thêm một vài bản ghi DNS. Chúng kết nối tên miền của bạn với địa chỉ IP của Droplet của bạn. Bản ghi đầu tiên bạn cần thêm là một bản ghi “A”. Để làm điều này, hãy nhấp vào tùy chọn A ở đầu màn hình.
Trong trường Hostname (Tên nhà lưu trữ), bạn có thể chỉ cần nhập ký hiệu “@”. Điều này đại diện cho miền gốc của bạn – tên miền của bạn và đuôi đã chọn, mà không có bất kỳ tiền tố hoặc miền phụ nào. Trong trường hợp của tôi, miền gốc là “awesomefool.com.”
Trong trường Will Direct To (Sẽ hướng tới), bạn có thể sử dụng trình đơn thả xuống để chọn Droplet của mình. Hộp “TTL” có thể được để ở giá trị mặc định của nó. Bây giờ, hãy nhấp vào nút Create Record (Tạo bản ghi). Miền gốc của bạn sau đó sẽ trỏ đến địa chỉ IP của Droplet của bạn, cho phép khách truy cập sử dụng nó để vào website của bạn.
Bạn sẽ chỉ cần thêm một bản ghi DNS nữa. Nhấp vào tùy chọn Cname ở trên cùng. Trong mục Hostname, hãy nhập tiền tố “www.”, sau đó trong trường Is An Alias Of (Là tên gọi khác của), hãy nhập ký hiệu “@”. Bây giờ bạn có thể nhấp vào nút Create Record lần cuối cùng.
Bước này chỉ để đảm bảo rằng những khách truy cập vào miền của bạn bằng tiền tố “www.” sẽ được chuyển hướng đến đúng địa chỉ IP. Sau khi hoàn tất, bạn có thể an toàn quay lại trang chủ trang tổng quan DigitalOcean.
Cài đặt DNS của bạn đã hoàn tất! Bạn sẽ có thể nhìn thấy miền của mình trên trang chủ trang tổng quan, hoàn chỉnh với các bản ghi đã được thêm vào. Bạn có thể cần bổ sung thêm trong tương lai nếu muốn tạo miền phụ, địa chỉ IPv6 hoặc máy chủ thư, nhưng hiện tại, bấy nhiêu thôi cũng đủ tốt rồi.
Hoàn tất việc cấu hình WordPress và đăng nhập vào trang tổng quan
Bây giờ, các cài đặt miền và DNS của bạn đã được thiết lập xong, bạn có thể bắt đầu định cấu hình cài đặt WordPress của mình. Hãy mở một kết nối SSH tới Droplet của bạn bằng PuTTY, như bạn đã làm trước đó. Nếu lúc trước bạn đã lưu phiên của mình, bạn có thể tải cấu hình của phiên đó.
Hãy nhập mật khẩu gốc của bạn để đăng nhập với tư cách người dùng gốc. Sau đó, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp một tên miền. Nhập miền của bạn mà không có tiền tố “www.” và nhấn phím Enter.
Kế đến, bạn sẽ được yêu cầu thiết lập một địa chỉ email, tên người dùng, mật khẩu và tiêu đề website. Những chi tiết này sẽ được sử dụng để đăng nhập vào trang tổng quan WordPress sau này, vì vậy hãy nhớ ghi chú lại chúng. Điền tất cả thông tin này vào, sau đó gõ “y” rồi nhấn phím Enter để xác nhận.
Tiếp theo, bạn sẽ được hỏi liệu bạn có muốn sử dụng Let’s Encrypt để định cấu hình SSL cho website của mình hay không.Tôi thực sự khuyên bạn nên thêm SSL ngay lúc này – nó sẽ cung cấp một lớp bảo mật và uy tín cho website của bạn mà không tốn chi phí. Nếu bạn từ chối, sau này bạn sẽ phải tự mình thêm SSL.
Gõ “Y” để chấp nhận hoặc “N” để từ chối. Nếu bạn chấp nhận, bạn sẽ phải đồng ý với các điều khoản và điều kiện của Let’s Encrypt. Bạn có thể làm điều này bằng cách gõ “A”.
Nếu bạn đã quyết định thêm SSL, bây giờ bạn sẽ được hỏi liệu bạn có muốn chia sẻ địa chỉ email của mình với Electronic Frontier Foundation, một đối tác của Let’s Encrypt hay không. Bạn có thể chọn không chia sẻ, nếu muốn, bằng cách nhập “n”.
Để hoàn thiện cấu hình SSL, bạn sẽ được hỏi những tên miền nào bạn muốn kích hoạt HTTPS cho chúng. Bạn có thể sẽ thấy hai tùy chọn – một miền gốc của bạn và một tên miền khác của bạn với tiền tố “www.”.
Bạn nên để trống mục nhập và nhấn phím Enter. Điều này sẽ cấu hình SSL cho tất cả các tùy chọn.
Cuối cùng thì quá trình cài đặt WordPress cũng đã hoàn tất! Để xác nhận, bạn có thể nhập tên miền của mình vào một trình duyệt web – nếu nó trả về một website WordPress cơ bản với văn bản mẫu “Hello World”, bạn hoàn toàn ổn!
Nếu bạn vẫn nhìn thấy trang giữ chỗ, đừng lo lắng – những thay đổi này có thể mất một thời gian ngắn để xuất hiện. Việc xóa bộ nhớ đệm và cookie trình duyệt của bạn có thể giúp ích.
Thiết lập website của bạn
Tất cả những gì còn lại là bắt đầu xây dựng website của bạn! Để đăng nhập vào trang tổng quan WordPress của bạn, chỉ cần nhập miền của bạn vào trình duyệt bạn chọn, nhưng thêm “/wp-admin” vào cuối URL. Ví dụ: của tôi sẽ là “www.awesomefool.com/wp-admin”.
Việc này sẽ đưa bạn thẳng đến trang đăng nhập WordPress. Hãy nhập tên người dùng và mật khẩu bạn đã thiết lập trong quá trình cài đặt WordPress để tiến hành.
Xin chúc mừng! Bạn sẽ thấy mình ở trang tổng quan WordPress, nơi bạn có thể tự do bắt đầu xây dựng các trang, cài đặt trình cắm, v.v.
Bạn có thể để ý thấy mình có một trình cắm được cài đặt sẵn – đây là trình cắm WP fail2ban, một biện pháp phòng thủ hiệu quả chống lại các cuộc tấn công thử mật khẩu đúng sai được trình cài đặt WordPress DigitalOcean tự động cài cho bạn. Tôi khuyên bạn nên cài đặt thêm các trình cắm bảo mật và các giải pháp sao lưu để bảo vệ website cũng như dữ liệu của bạn tốt hơn.
Còn bất cứ điều gì khác tôi nên biết không?
Từ đây, bạn có thể xây dựng bất kỳ loại website nào bạn mong muốn – bất kể đó là một blog, trang đích cho công việc tự do của bạn hay trang thương mại điện tử.
Tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân của mình, bạn có thể muốn kích hoạt một số tùy chọn bổ sung mà DigitalOcean cung cấp chẳng hạn như các chỉ số nâng cao hoặc địa chỉ IPv6. Cả hai đều yêu cầu kết nối với Droplet của bạn thông qua SSH, nhưng DigitalOcean có tài liệu bao quát để hướng dẫn bạn thực hiện.
Đừng quên việc bảo trì WordPress thích hợp – hãy luôn cập nhật mọi trình cắm và chủ đề, cùng với phần mềm cốt lõi của bạn. Hãy có một số loại giải pháp sao lưu mạnh mẽ hiệu lực, vì bạn không muốn mất dữ liệu của mình sau tất cả những vất vả này.
Với bấy nhiêu việc đã hoàn thành, tôi chúc bạn và website WordPress của bạn gặp nhiều may mắn!
Câu hỏi thường gặp
VPS là gì?
VPS là một máy chủ ảo cung cấp cho bạn một phần chuyên biệt trong các tài nguyên của một máy chủ. Các VPS của DigitalOcean sử dụng công nghệ đám mây và được gọi là các “Droplet”. DigitalOcean cung cấp một nền tảng chất lượng hàng đầu và do đó, nó tương đối đắt – hãy xem qua danh sách các dịch vụ lưu trữ web tốt nhất của chúng tôi năm 2025 để biết thêm một số giải pháp thay thế rẻ hơn.
Giá của một VPS DigitalOcean là bao nhiêu?
Việc sử dụng một Droplet được tính phí theo giờ. Tất cả các chi phí phát sinh sẽ được tập hợp vào một hóa đơn hàng tháng. Basic Droplet (Droplet cơ bản) cung cấp thừa tài nguyên cho một website WordPress đơn giản và khá dễ thiết lập.
DigitalOcean có bản dùng thử miễn phí không?
DigitalOcean cung cấp một bản dùng thử miễn phí 60 ngày với khoản tín dụng 100$ (khoảng 2,3 triệu VND) để trải nghiệm dịch vụ theo ý bạn. Tuy nhiên, không có đảm bảo hoàn tiền. Nếu bạn là người mới biết đến dịch vụ lưu trữ web, bạn có thể muốn xem qua hướng dẫn đầy đủ của chúng tôi để khởi chạy website đầu tiên của bạn.
Tôi có thể cài đặt WordPress với NGINX trên DigitalOcean không?
Mặc dù hướng dẫn của tôi là dành cho một ngăn xếp LAMP, nhưng bạn có thể cài đặt WordPress với một ngăn xếp LEMP nếu bạn muốn sử dụng NGINX. Tuy nhiên, nhiều người dùng DigitalOcean đã gặp phải sự cố với cấu hình này. Bạn có thể muốn dùng thử Cloudways, một dịch vụ lưu trữ được quản lý có bản dùng thử miễn phí cung cấp cài đặt một ngăn xếp LEMP vào Droplet DigitalOcean dễ dàng.
Ryan là một tác giả tự do chuyên nghiệp, anh dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để mày mò trang web của mình, đảm bảo mọi thứ đều đạt tiêu chuẩn cao của anh. Anh thích thử nghiệm các dịch vụ lưu trữ và trình tạo website mới để giúp người dùng có được giá trị tốt nhất với đồng tiền mà họ bỏ ra. Khi anh không viết lách, bạn thường có thể thấy anh ấy đang chơi các trò chơi video, trừ những lúc con mèo của anh nằm lên bàn phím, đáng buồn là chuyện này xảy ra rất thường xuyên.
Hoàn tất trả lời của bạnHoàn tất bình luận của bạn
Cảm ơn, - bình luận của bạn đã được gửi thành công!
Chúng tôi kiểm tra tất cả các bình luận của người dùng trong vòng 48 giờ để đảm bảo chúng đều là từ những người thực như bạn. Chúng tôi rất vui vì bạn thấy bài viết này hữu ích - chúng tôi sẽ rất cảm kích nếu bạn chia sẻ nó cho nhiều người cùng biết hơn.
Chia sẻ bài viết trên blog này với bạn bè và đồng nghiệp ngay bây giờ:
Thank you, , your comment was submitted successfully!
We check all comments within 48 hours to make sure they're from real users like you. In the meantime, you can share your comment with others to let more people know what you think.
Cảm ơn bạn đã đăng ký!
Mỗi tháng một lần, bạn sẽ nhận được những mẹo vặt, thủ thuật cùng những lời khuyên thú vị và sáng suốt để giúp bạn nâng cao hiệu suất website và đạt được các mục tiêu tiếp thị kỹ thuật số của mình!